Nơi lưu giữ ký ức
Khi bước chân vào Bảo tàng Đồng Nai, Phóng viên Người Đưa Tin không khỏi có cảm giác choáng ngợp. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng sự im lặng và trang nghiêm nơi đây khiến tôi bỗng dưng cảm thấy một nỗi bâng khuâng khó tả.
Bức tượng vị chiến sĩ đang cầm súng được trưng bày mô phỏng, mô tả hình ảnh người lính trong bối cảnh chiến tranh, mang lại cảm giác sâu sắc về lịch sử và cuộc sống của họ trong thời kỳ khó khăn.
Các hiện vật, từ chiếc mũ sắt gỉ sét cho đến những lá thư viết vội vàng giữa chiến trường, đều chứa đựng một câu chuyện không phải được kể bằng lời, mà bằng chính những gì mà chúng đã chứng kiến.
Những khẩu đại bác Đây được trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai.
Đặc biệt là khi PV đứng trước bộ sưu tập vũ khí, những khẩu súng trường, đạn pháo và cả những chiếc xe tăng, máy bay có thể giết chết hàng chục, thậm chí hàng trăm tên địch trong tích tắc. Những hiện vật này không chỉ là công cụ chiến tranh mà còn là biểu tượng của sự tàn khốc, khiến tôi phải chùn bước.
Máy bay MIG-21 do Liên Xô sản xuất, chi viện cho Việt Nam, không quân Việt Nam đã sử dụng trong cuộc kháng chiến cứu nước.
Đối diện với những hiện vật này, PV không thể không cảm nhận được sức nặng của thời gian. Không phải bằng những con số hay những bài giảng lịch sử, mà chính bằng những dấu tích vật lý mà chiến tranh để lại.
Khẩu pháo 105 M1-A1 từng tham chiến khốc liệt tại miền Nam.
Đây không phải là những món đồ vô tri, mà là những mảnh ký ức không thể tách rời khỏi lịch sử đất nước. Mỗi món đồ là một nhân chứng sống, một phần của lịch sử dân tộc.
Giá trị còn mãi với thời gian
Trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện Bảo tàng Đồng Nai cho biết, hiện bảo tàng đang trưng bày khoảng 2.000 hiện vật và một số tư liệu lịch sử, tài liệu khoa học phụ, mỹ thuật trưng bày, hình ảnh, sơ đồ, sa bàn, bản trích... Toàn bộ nội dung trưng bày được cấu trúc trên 2 tầng lầu.
Cụ thể, toàn bộ không gian được bố trí thành 14 phòng trưng bày cố định, từ thiên nhiên, văn hóa cho đến lịch sử các giai đoạn kháng chiến, trải dài từ thời tiền sử đến sau năm 1975.
Các triển lãm chuyên đề cũng thường xuyên được tổ chức, giúp người xem không chỉ thấy mà còn cảm nhận được chiều sâu của từng giai đoạn lịch sử.
Một số loại súng như: Súng tiểu liên AK, súng trường M16, súng ngắn... được trưng bày tại bảo tàng.
Anh Nguyễn Văn Tám (55 tuổi, ngụ Tp. Biên Hoà) chia sẻ: "Khi đứng trước những chiếc xe tăng hay khẩu pháo từng tham chiến khốc liệt tại miền Nam, tôi như cảm nhận được nhịp tim của lịch sử đang đập từng nhịp mạnh mẽ trong không gian tĩnh lặng.
Mỗi khẩu pháo rỉ sét, mỗi nòng súng đen sạm như vẫn còn vọng lại tiếng nổ của chiến trường năm xưa. Nhìn thấy những khẩu pháo cổ lặng lẽ dựng thẳng, tôi tự hỏi bao nhiêu người lính đã ngã xuống bên cạnh chúng.
Cảm giác ấy khiến tôi như đang đứng giữa một đoạn phim tài liệu. Đây không còn là những cỗ máy kim loại vô tri, mà là những nhân chứng thầm lặng của một thời oanh liệt".
Bộ sưu tập các hiện vật và vật dụng cá nhân của người lính, bao gồm chai, dây thừng, quần áo, giày dép và ví. Những đồ vật này phản ánh cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày trong thời kỳ chiến tranh.
Không ít bạn trẻ, học sinh, sinh viên đến đây mang theo nhiều cảm xúc trước một bức ảnh hay hiện vật nhỏ bé. Một bức thư của người lính viết cho mẹ trước giờ ra trận, nét chữ nguệch ngoạc run rẩy như chạm vào từng mạch cảm xúc.
Không ít bạn trẻ khi tham quan ra về với tâm trạng lặng lẽ. Trong từng trang nhật ký, từng hiện vật đã phai màu, các bạn tìm thấy điều gì đó xa xôi mà quen thuộc "lòng yêu nước, sự hy sinh, và niềm tin".
Nhiều bạn trẻ đến tham quang tại Bảo tàng Đồng Nai.
Em Phạm Nguyễn Tuyết Trinh (học tại Trường THPT Tân Phú) chia sẻ: "Lần đầu tiên em được đến Bảo tàng Đồng Nai, em thật sự rất ấn tượng. Những hiện vật chiến tranh như khẩu súng, chiếc xe tăng, mảnh bom, chiếc mũ sắt… đều mang trên mình dấu tích của thời gian và những câu chuyện thiêng liêng. Em đã từng học lịch sử qua sách vở, qua lời thầy cô kể, nhưng khi được tận mắt nhìn thấy những hiện vật thật sự, em mới cảm nhận rõ hơn sự gian khổ và hy sinh của cha ông ta".
Bản đồ 'East Indies and Further India" trong Philip's Pocker Atlas of the world xuất bản tại London, 1969.
"Chuyến đi này giúp em hiểu rõ hơn về giá trị của hòa bình. Em cảm thấy biết ơn sâu sắc các thế hệ đi trước và càng có ý thức học tập, rèn luyện tốt hơn để xứng đáng với những gì mà các chú, các bác, các anh đã hy sinh để mang lại cho chúng em ngày hôm nay", Tuyết Trinh nói.
Khuôn đúc lựu đạn do Công binh xưởng Trung đoàn 397 dùng để chế tạo ra lựu đạn cung cấp cho Lực lượng vũ trang trong kháng chiến.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về nó không thể ngủ quên. Việc lưu giữ, bảo tồn và trưng bày các hiện vật chiến tranh tại Bảo tàng Đồng Nai không chỉ đơn thuần là công việc lưu trữ mà đó là trách nhiệm lịch sử, là một sợi dây nối liền quá khứ với hiện tại và tương lai.
Đoàn Vũ
Link nội dung: https://nhipsongdothi.info/kham-pha-bao-tang-dong-nai-moi-hien-vat-la-mot-cau-chuyen-hung-trang-cua-dan-toc-237210.html