shunshine group

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng: Các ngân hàng sắp tới sẽ có vai trò lớn trên sàn giao dịch tiền ảo, bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo đồng coin có giá trị ổn định

Admin

28/03/2025 15:29

Ông nói: "Sắp tới đây sẽ có thay đổi lớn liên quan đến nghị định sàn giao dịch tiền ảo. Tôi tin là nhiều ngân hàng hiện nay chưa hình dung được sàn này hoạt động như thế nào và ngân hàng đóng vai trò gì".

Tại Hội nghị Thường niên lần thứ V, nhiệm kỳ VII Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sáng 27/3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, sắp tới ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi, đặc biệt là trong việc hoàn thiện các chính sách, do đó, vai trò của hiệp hội, các ngân hàng trong việc đóng góp ý kiến hết sức quan trọng.

Trước đó, trong năm 2025, Luật các Tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực, NHNN cũng đã ban hành tới 64 Thông tư trong năm qua cho thấy những thay đổi lớn về mặt chính sách. Năm nay, một số chính sách mới như Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, quy định về chữ ký điện tử,...được đánh giá sẽ có tác động mạnh tới các nhà băng, định chế tài chính khác.

Đáng chú ý, Phó Thống đốc đề cập tới việc sắp tới Việt Nam sẽ thí điểm sàn giao dịch tiền số có ảnh hưởng ra sao tới ngành ngân hàng.

Ông nói: "Sắp tới đây sẽ có thay đổi lớn liên quan đến nghị định sàn giao dịch tiền ảo. Tôi tin là nhiều ngân hàng hiện nay chưa hình dung được sàn này hoạt động như thế nào và ngân hàng đóng vai trò gì. Tôi khẳng định là có vai trò lớn của ngân hàng, trong việc bảo vệ người tiêu dùng, trong việc thanh quyết toán, trong việc đảm bảo đồng stable coin có giá trị ổn định".

Ngoài ra còn có trung tâm tài chính, NHNN sẽ sớm có nghị định về trung tâm tài chính, bao gồm hoạt động của ngân hàng. "Tôi lấy ví dụ định chế tài chính hoạt động trong trung tâm tài chính đó có thể không được huy động tiền gửi dân cư, vì vậy khi xảy ra đổ vỡ thì NHNN sẽ không có trách nhiệm cho vay tái cấp vốn. Khi đó, quy định tỷ lệ huy động trên cho vay có thể không áp dụng như hiện nay. Nhiều quy định từ nghiệp vụ đến các chỉ số an toàn phải thay đổi hoàn toàn", Phó Thống đốc cho biết thêm.

"Thậm chí trong thời gian tới, mọi người sẽ thấy ngành ngân hàng phát triển cực nhanh, không phải là nghiên cứu trong vòng 2-3 năm, mà có thể chỉ sau 1 tháng đã khác. Ví dụ như sàn tiền số, sẽ không có chuyện phải đợi chờ nghiên cứu hết nước này đến nước khác", theo ông Phạm Tiến Dũng.

Phó Thống đốc nhận định, thực tiễn hoạt động ngành ngân hàng đã và đang thay đổi rất nhanh. Đặc biệt khi dịch vụ ngân hàng điện tử phát triển cũng dẫn tới những rủi ro rất lớn. Theo đó, Phó Thống đốc đánh giá cao vai trò và đóng góp của Hiệp hội ngân hàng trong việc xây dựng quy tắc về ứng xử trong giao dịch như thanh toán quốc tế, xử lý gian lận,…

Liên quan đến việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, mới đây, từ ngày 16-25/3, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng Đoàn đại biểu Việt Nam thăm và làm việc tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng các Trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế của Anh, Lúc-xăm-bua và Cộng hoà liên bang Đức. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Tiến Dũng đã tham gia Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình.

Trong chuyến công tác lần này, theo sự phân công của Phó Thủ tướng, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng dẫn đầu Đoàn NHNN đã có các buổi làm việc song phương với các đối tác trong lĩnh vực ngân hàng để tìm hiểu sâu hơn về kinh nghiệm xây dựng chính sách đặc thù trong lĩnh vực ngân hàng tại Trung tâm tài chính.

Đoàn NHNN đã dành thời gian tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế từ các phương diện khác nhau: quan điểm cơ quan quản lý (NHTW Anh), thực tiễn hoạt động của các định chế tài chính nước ngoài (Tập đoàn HSBC)… Qua đó, Đoàn đã có góc nhìn đa chiều, toàn diện và thực tế hơn về những thông lệ quốc tế tốt nhất trong quá trình phát triển Trung tâm tài chính, đặc biệt là kinh nghiệm về xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc để quản lý lĩnh vực ngân hàng trong Trung tâm Tài chính.

Phó Thống đốc cho biết, trong lĩnh vực ngân hàng, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, NHNN đang nghiên cứu những thay đổi pháp lý và chính sách đặc thù một cách kỹ lưỡng nhằm hướng tới mục tiêu tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các định chế tài chính và các nhà đầu tư quốc tế uy tín, xây dựng một hệ sinh thái tài chính hấp dẫn và lành mạnh.

Các chuyên gia quốc tế khuyến nghị Việt Nam phát triển các TTTC theo lộ trình với các bước đi chiến lược và thận trọng, đảm bảo sự phù hợp với tình hình phát triển của đất nước. Trong quá trình này, Việt Nam có thể học hỏi mô hình của các nền kinh tế thị trường mới nổi có nhiều sự tương đồng với đặc điểm nền kinh tế Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ...

Phát triển Trung tâm tài chính tại Việt Nam là một phần trong chiến lược phát triển nền kinh tế quốc gia, nhằm nâng cao vai trò và khả năng kết nối, hội nhập của Việt Nam với thế giới. Chuyến thăm Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình và Đoàn Việt Nam góp phần khẳng định cam kết Chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành tài chính, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam hướng tới xây dựng một TTTC quốc tế có uy tín.


#hungthinh